Hiện nay, phân loài chim Yến này được phân bố ở hầu hết các địa phương trong cả nước từ Thanh Hóa đến Cà Mau, đặc biệt chim Yến tập trung với số lượng khá lớn ở các tỉnh duyên hải miền Trung đến các tỉnh Nam bộ. Nghề nuôi Yến trong nhà đã hình thành và đang phát triển với nhiều triển vọng. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật thiết kế, xây dựng và sử dụng các loại vật liệu trong nhà yến mang tính cấp thiết.
Kỹ thuật thiết kế và xây dựng nhà yến
Thiết kế ngôi nhà yến dựa trên kết quả khảo sát khu vực, địa điểm dự tính xây nhà yến. Khi thiết kế, xây dựng nhà nuôi yến chúng ta cần chú ý các điểm sau:
Xác định được môi trường, khí hậu của vùng được chọn để xây nhà yến. Theo các dẫn liệu về môi trường, vùng xây nhà yến được chia ra thành 2 loại chính:
Nhà yến ở vùng có nhiệt độ trung bình hàng ngày là ≥270C:
Thiết kế, xây dựng nhà yến sử dụng vật liệu là bê tông cốt thép có tường dày ít nhất 20cm, mái đổ sàn bê tông và lợp ngói hoặc tôn. Mở các lỗ thông gió nhiều, có hồ nước và lắp đặt hệ thống phun sương bên trong và bên ngoài nhà yến để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm. Trần nhà cao tối thiểu so với mặt sàn là 3m, cao nhất là 4,5m.
Nhà yến ở vùng có nhiệt độ trung bình < 270C:
Tường gạch và xi măng dày 20cm, mái có thể lợp ngói, lợp tole, bê tông độ dốc mái nhỏ hơn 300, dốc vừa phải tốt hơn, mở lỗ thông gió theo cơ chế tự động đóng mở để đảm bảo nhiệt độ vào buổi tối, mùa lạnh. Chiều cao tối đa từ sàn nhà đến trần là 3,5m; thấp nhất là 2,5m. Nhà được thiết kế nhiều phòng.
Trong khu vực có nhiệt độ dao động lớn trong ngày vào các mùa nhiệt độ trên 300C vào buổi trưa và dưới 270C vào buổi tối thì nhà yến phải xây theo kiểu thứ nhất nhưng hệ thống thông gió phải có cửa đóng mở lúc cần thiết. Đối với nhà nhiều tầng chiều cao của các phòng từ sàn lên trần nhà phải như nhau và lý tưởng phải tối thiểu 3m.
Kích thước ngôi nhà yến:
Để mang lại hiệu quả thì diện tích đất để xây dựng nhà yến tối thiểu là 100m2, kích thước các nhà yến hiện nay được xây dựng ở Việt Nam mang lại sản lượng cao là 5x20 m, 6x21m, 7x15m đến 10x20m, ngoài ra cũng có những nhà yến được đầu tư quy mô lớn như 20x30m hoặc lớn hơn. Khi đưa ra kích thước, số tầng thì phải tính đến tổng mức đầu tư, quần đàn chim yến sinh sống ở khu vực đó để tính được thời gian thu hồi vốn sau khi nhà yến hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế.
Nhà yến được xây thành nhiều tầng, chiều cao mỗi tầng từ 3m – 4,5m tùy theo điều kiện môi trường khí hậu ở từng vùng. Ở những vùng nhiệt độ và biên độ nhiệt cao thì chiều cao tầng từ 3,5m – 3,9m để tạo sự thông thoáng và nhiệt độ tối ưu. Ở những vùng biên độ nhiệt thấp như khu vực miền Tây Nam Bộ thì chiều cao tầng 3,2m – 3,4m.
Lối chim vào nhà yến:
Vị trí của các lỗ chim bay ra bay vào rất quan trọng trong việc thu hút chim yến đến ở và nó là điều kiện quyết định trong sự phát triển số lượng chim. Có hai phương án mở lỗ chim đó là sử dụng giếng trời để khoảng trống cho chim bay xuống nhà yến và phương pháp mở lỗ từ chuồng cu. Kích thước mở lỗ chim bay ra vào nhà yến tùy theo từng kiểu nhà, nhưng tối thiểu là 30x40cm.
Các mô hình và vật liệu được sử dụng trong xây dựng nhà yến
Ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng 03 loại mô hình nhà yến bao gồm:
+ Mô hình xây nhà yến bằng gạch, bê tông cốt thép là mô hình phổ biến nhất hiện nay, rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của Việt Nam đặc biệt khu vực các tỉnh miền Trung thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của bão lụt. Ngoài vật liệu gạch truyền thống thì hiện nay một số nhà yến còn ứng dụng vật liệu gạch không nung (vật liệu nhẹ). Mô hình này có độ bền và tuổi thọ cao, đảm bảo tốt điều kiện nhiệt độ và độ ẩm trong nhà yến.
+ Mô hình xây dựng 3D đang được các nhà đầu tư thực hiện tạo mô hình cấu trúc hấp dẫn trong các khu du lịch. Hiện nay một số nhà yến ở Miền Nam sử dụng mô hình này để thiết kế xây dựng mô hình núi nhân tạo nuôi chim yến. Nguyên tắc thiết kế và thi công của mô hình này là đan khung thép rồi phun hỗn hợp vữa xi măng và chất phụ gia. Mô hình này tuổi thọ thấp, có nhiều công trình 5 -7 năm đã có dấu hiệu xuống cấp rất khó khắc phục, chi phí đầu tư cao.
+ Mô hình nhà lắp ghép bằng tấm lợp thông minh là mô hình được thực hiện theo hình thức thiết kế khung sắt, lợp mái và bao bọc tole, tấm lợp thông minh. Bên trong nhà được cách nhiệt bằng xốp 10cm và tấm Prima/Cemboard dùng làm tường bên trong. Mô hình này chủ yếu được sử dụng ở Việt Nam, một số nhà yến ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền Tây Nam Bộ cũng xây dựng theo mô hình này. Mô hình này có ưu điểm là thi công nhanh, vật liệu nhẹ, phù hợp với vùng địa chất yếu như Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng có nhược điểm là độ bền thấp, khó điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm trong nhà yến.
Ngoài ra còn có một số mô hình xây dựng kết hợp người ở sinh hoạt ở dưới và nuôi chim yến ở tầng trên.
Các yếu tố quyết định thành công cho ngôi nhà yến
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đã tổng kết được 9 yếu tố quyết định thành công cho ngôi nhà yến giúp giải quyết vấn đề tìm kiếm giải pháp tốt nhất trong khâu thiết kế, thi công lắp đặt trang thiết bị nhà yến, chọn lựa chủng loại vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt nhằm tối ưu hóa về hiệu quả sử dụng và giảm chi phí đầu tư cho người nuôi chim yến, đó là:
1. Vị trí xây dựng nhà yến:
Để chọn được vị trí xây dựng nhà yến tốt cần đảm bảo các tiêu chí sau: Có đường bay của chim yến, có nguồn thức ăn cho chim yến, có điều kiện khí hậu lý tưởng cho chim yến sinh sống và phát triển (Nhiệt độ: 27 - 320C; độ ẩm: 70 - 85%; vùng sinh sống kiếm ăn…), được gọi chung là môi trường sống của chim yến.
2. Thông số kỹ thuật nhiệt độ, độ ẩm trong nhà yến:
Khi thiết kế và xây dựng nhà yến, phải tính đến sự tác động của việc thay đổi nhiệt độ của môi trường, đảm bảo nhiệt độ trong nhà yến luôn duy trì ở mức 27-290C, đây là mức chuẩn cho chim yến sinh sống, làm tổ, sinh sản và phát triển tốt.
Khi thiết kế và xây dựng nhà yến, độ ẩm của một căn nhà yến đảm bảo từ 70% - 85%. Trong quá trình vận hành cần phải điều chỉnh độ ẩm trong nhà yến nằm trong biên độ này.
3. Ánh sáng trong nhà yến (lux):
Nghiên cứu các nhà yến thành công có ánh sáng thích hợp là 0,02 – 0,2 lux. Yếu tố ánh sáng trong nhà yến đã xây dựng hoàn thiện có thể điều chỉnh bằng cách dựng các vách ngăn mềm để làm tối các góc phòng cho chim yến an tâm làm tổ và sinh sản, nuôi dưỡng chim con.
4. Hướng nhà và hướng lỗ chim ra vào:
Đối với các nhà yến ở vùng nông thôn đất rộng, thuận lợi cho việc lựa chọn hướng nhà, tốt nhất xây nhà yến theo hướng Đông – Tây, mục đích là để giải quyết vấn đề nhiệt độ. Mở lỗ chim ra vào nhà là hai lỗ hướng Nam và Đông hoặc hướng Đông và Bắc.
Đối với các nhà yến tại vùng đô thị không thuận lợi cho việc lựa chọn hướng nhà thì cần thực hiện các giải pháp cách nhiệt, đảm bảo nhiệt độ tối ưu cho nhà yến. Hướng lỗ chim vào nhà là hai lỗ Đông và Nam, riêng các tỉnh duyên hải Miền Trung hạn chế không mở lỗ hướng Bắc để tránh gió lạnh vào mùa Đông, hạn chế mở lỗ hướng Tây vì bị tác động nắng chiều làm nóng nhà yến vào thời điểm quan trọng buổi chiều tối chim về nhà yến.
Việc chọn hướng nhà, hướng lỗ chim ra vào nhà yến không chỉ chịu tác động về các vật, kiến trúc, không gian xung quanh nhà yến như: cây lớn, nhà liền kề,… Mục tiêu giảm bức xạ nhiệt vào nhà yến, thuận lợi cho chim yến khi bay vào các phòng ở trong nhà yến.
5. Kích thước vòng đảo lượn trong nhà:
Nhà yến thường được thiết kế chia thành nhiều phòng, có phòng bay lượn cho chim, kích thước tối thiểu cho phòng lượn là 5x5m, kích thước ô thông giữa các tầng tối thiểu là 4x4m.
6. Hệ thống giá tổ:
Giá tổ được gắn trực tiếp vào trần nhà tạo thành các ô ngang để chim đeo bám sinh sống và làm tổ, mặt rộng của các tấm giá tổ này thường có kích thước từ 15cm đến 30cm. Cách lắp đặt giá tổ trong nhà yến là một yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của nhà yến, lắp theo chiều ngang tạo thành ô dài vuông góc với đường chim bay để tạo điệu kiện thuận lợi cho chim dễ đậu bám.
7. Hệ thống âm thanh:
Hệ thống âm thanh chim yến để tạo tiếng kêu bầy đàn, là tín hiệu dẫn đường cho chim yến biết nơi ở của chúng và dẫn dụ chim về nhà yến. Cần lựa chọn tiếng chim yến phù hợp với từng vùng miền.
Hệ thống âm thanh là một tổ hợp bao gồm máy phát âm thanh (máy phát đầu CD, đầu phát gắn thẻ nhớ USB, thẻ nhớ MP3…), dây dẫn âm thanh, hệ thống loa (Loa nóc, loa lỗ, loa dẫn đường, loa trong phòng), bộ điều kiểm âm thanh theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản của chim trong năm. Âm thanh phân thành âm thanh bên ngoài nhà yến có tác dụng dẫn dụ, loa chuyên dụng nhưng phải đảm bảo đúng qui định dưới 70db, còn bên trong nhà yến là hệ thống âm thanh hỗn hợp như là âm thanh thực của gia đình nhà yến.
8. Hệ thống tạo ẩm, thông gió:
Đối với các thông số kỹ thuật về nhiệt độ, độ ẩm, sự thông thoáng trong nhà yến là yêu cầu rất cần thiết thì hệ thống tạo ẩm, thông gió là công cụ hỗ trợ đắc lực, tác động điều tiết nhiệt độ, độ ẩm trong nhà yến.
9. Kỹ thuật vận hành nhà yến:
Vận hành nhà yến là công việc kiểm tra, theo dõi, điều chỉnh các thông số kỹ thuật quan trọng của nhà yến đảm bảo trong biên độ lý tưởng, giảm tối thiểu biến động theo thời gian, hay do môi trường tác động. Các thông số kỹ thuật cần kiểm soát là nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, âm thanh nhà yến, kỹ thuật sử dụng hóa chất tạo mùi cho nhà yến. Ngoài ra còn phải biết cách vận hành, sử dụng các thiết bị phụ trợ như: máy phát âm thanh, máy tạo ẩm, máy hút gió, máy bơm, phát điện.
Kỹ thuật xây dựng nhà yến tại Việt Nam phải được thiết kế phù hợp với điều kiện đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở nước ta. Do đó người thiết kế, đơn vị tư vấn phải thực sự nắm rõ các yếu tố địa lý tại các địa phương, vùng miền để hoàn thành thiết kế và thực hiện kỹ thuật xây dựng nhà yến hiệu quả.
Các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị tư vấn nỗ lực trong nghiên cứu khoa học, giải pháp sáng tạo kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn để bổ sung tổng hợp quy trình kỹ thuật xây dựng nhà yến ngày càng hoàn thiện đạt hiệu quả cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng bền vững.